Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, mẹ thường xuyên đau yếu, bố phải làm lụng vất vả để nuôi các con ăn học. Bởi vậy chị Tâm quyết đi theo sư phạm để bố mẹ đỡ phải lo tiền học phí và cũng để thoả ước mơ trở thành cô giáo Địa lý. Chị kể rằng trong 3 năm học tại trường cao đẳng sư phạm Hà Tây chị luôn đạt học bổng, được khen thưởng đạt thành tích xuất sắc trong học tập, chị là một trong năm sinh viên của lớp Địa - Sử K24 tốt nghiệp loại Khá. Chị may mắn được phân công về trường THCS Tân Ước giảng dạy. Tân Ước trở thành quê hương thứ hai của chị, với 17 năm gắn bó từ khi ra trường đến nay.
Cô Phạm Thanh Tâm – Đạt giải nhì cụm trong cuộc thi Ngày Hội CNTT do
Phòng GD&ĐT Thanh Oai tổ chức.
Bằng sự nhiệt huyết, sức trẻ, tình yêu với nghề, chị luôn cố gắng học tập, trau dồi kiến thức. Chị nói với chúng tôi rằng: “muốn có hoa thơm trái ngọt thì mình phải biết chăm sóc vun trồng cẩn thận, mỗi học sinh là một nhân cách, mỗi thầy cô phải biết tạo cho mình một thương hiệu”. Đúng như lời chị nói, chị đã tạo được cho mình một vị trí vô cùng quan trọng trong trái tim của các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh, những người đồng nghiệp hay bạn bè từng tiếp xúc với chị. Chị đã và đang được tín nhiệm giữ các chức vụ như Bí thư đoàn trường, Tổng phụ trách, Chi uỷ viên, Chủ tịch công đoàn, Tổ trưởng chuyên môn. Dù ở cương vị nào chị cũng luôn tham gia nhiệt tình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không chỉ vậy, hiện nay chị là nhóm trưởng nhóm Địa huyện Thanh Oai.
Một trong những thành viên đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin ở trường THCS Tân Ước là chị Tâm. Còn nhớ những năm học đầu tiên sử dụng máy tính vào giảng dạy, chị đã nhờ những người bạn của mình dạy cách làm, rồi chị về dạy mẫu tại trường. Các cuộc thi về thiết kế bài giảng E-learning chị tham gia đều đạt giải cao. Với phương châm sống “Cho đi là còn mãi”. Bất kỳ ai hỏi gì về chuyên môn, hay ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học thì chị đều chia sẻ. Chị bảo rằng mình cho người này thì sẽ lại được nhận của người khác và mình cũng sẽ học hỏi được rất nhiều. Với chúng tôi những buổi sinh hoạt chuyên môn hay các tiết dự giờ, các cuộc thi đều trở nên nhẹ nhàng và có hiệu quả bởi chị có cách làm việc vừa khoa học, vừa thoải mái, nhẹ nhàng.
Chị cho rằng “Một giáo viên giỏi không chỉ dạy bằng kiến thức mà còn có tình yêu”, chính từ suy nghĩ đó, chị đã động viên kịp thời, thúc đẩy niềm say mê học tập của học sinh. Đội tuyển học sinh giỏi của chị luôn dẫn đầu nhà trường cả về số lượng và chất lượng. Chị tham gia dạy đội tuyển học sinh giỏi Địa lý thi thành phố của huyện. Kết quả là hơn 50% học sinh đạt giải, nhiều em đạt giải Nhì, Ba .
Cô Phạm Thanh Tâm – Tham gia cùng các em học sinh trong cuộc thi “Khéo tay hay làm” tổ chức tại trường THCS Tân Ước nhân dịp Tết trung thu.
Khi xem cuốn “Sổ vàng” thành tích của nhà trường, tôi càng thêm khâm phục và ngưỡng mộ chị Tâm. Gần như năm học nào chị cũng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Chị đã từng được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội tặng bằng khen. Và nhiều lần được Uỷ ban huyện Thanh Oai, xã Tân Ước khen thưởng như đạt thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, trong công tác Đoàn, công tác Đảng…Trong cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn và hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn thì chị Tâm luôn đạt giải cao Nhì, Ba cấp thành phố, được dự thi cấp Quốc gia và có giải Khuyến khích cấp Quốc gia.
Chị không chỉ là người phụ nữ “Giỏi việc nước” mà còn “Đảm việc nhà”. Chị có một gia đình hạnh phúc, các con chăm ngoan học giỏi. Chị được gia đình hai bên nội, ngoại yêu thương, trân trọng bởi chị là người con, người cháu thảo hiền, vẹn tròn.
Những thành công mà chị đạt được mới chỉ là những thành công bước đầu trong sự nghiệp trồng người, nhưng đó là nền tảng, là động lực để chị phấn đấu làm tốt hơn xứ mệnh của người thầy, góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương. Chị thực sự là tấm gương “Người tốt việc tốt” đáng để chúng tôi học tập và noi theo.