Tham vấn tâm lý học đường là một nhánh của tư vấn tâm lý nói chung, do đó cũng đòi hỏi phải có chuyên môn về tâm lý lứa tuổi, tâm lý giới, tâm lý hành vi. Mô hình phòng tham vấn học đường, để đạt được hiệu quả lâu dài, phải hướng tới sự chuyên nghiệp, từ đội ngũ tư vấn, các hình thức tư vấn và cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ cho hoạt động tư vấn.
Cha mẹ, thầy cô cũng cần được tham vấn tâm lý
Các chuyên gia tâm lý cho rằng muốn can thiệp tích cực tới tâm lý học sinh cần phải can thiệp tâm lý đối với các bậc cha mẹ và thầy cô. Bởi không chỉ học sinh, mà chính cha mẹ, thầy cô cũng gặp những vấn đề tâm lý bất ổn. Họ cũng cần được trị liệu để có tinh thần ổn định, suy nghĩ và hành động tích cực để từ đó tạo dựng được môi trường gia đình và nhà trường an toàn, lành mạnh.
Trong buổi giao lưu với học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ mới đây, khi đưa ra tình huống: Em có chuyện buồn ở lớp, em muốn kể câu chuyện này với bố mẹ. Bố mẹ đã làm gì? Trước các phương đưa ra, đa số học sinh đều trả lời rằng “Bố mẹ đang bận việc và bảo để lúc khác nói sau” hoặc “Bố mẹ tiếp tục lướt facebook và bảo đó là chuyện trẻ con”.
Phương án “Bố mẹ ngay lập tức hỏi rõ sự việc” được rất ít các em lựa chọn. Điều đó cho thấy, phần lớn các bố mẹ đều chưa chủ động nhận diện những vấn đề con cái thường gặp phải, mà cho đó là việc không quan trọng, nên không lắng nghe, không hỗ trợ các con.
Khi con hoang mang chưa tìm ra phương pháp học tập phù hợp, con lo lắng trước sự phát triển của cơ thể, trước những thay đổi cảm xúc và hành động của bản thân, hay khi gặp rắc rối trong tình bạn, tình bạn khác giới, mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô là lúc con rất cần được bố mẹ chia sẻ, giải tỏa cảm xúc kịp thời, cần được tư vấn để có thể tự giải quyết ổn thỏa vấn đề các con gặp phải.
Ngược lại, các bậc cha mẹ khi đối diện với sự trưởng thành của con cái, đặc biệt qua tuổi dậy thì và tuổi vị thành niên, cũng vấp phải những khó khăn, lúng túng trong việc dạy con. Nhiều phụ huynh thường đòi hỏi các con phải có ý thức trách nhiệm, có thái độ hợp lý, có tính độc lập, nhưng mặt khác lại cũng yêu cầu các con phải chịu sự sắp đặt của người lớn. Vì vậy, thay vì cho con những lời khuyên, các bậc cha mẹ lại thường so sánh, áp đặt.
Do đó con cái thường che giấu cha mẹ những điều mà các em đang trăn trở, những vướng mắc của bản thân. Khi đó, cha mẹ cũng cần được tư vấn tâm lý để sẵn sàng lắng nghe con, được cung cấp các thông tin khoa học về sự phát triển của con, được trang bị kỹ năng làm cha mẹ tích cực như cách thức nói chuyện, giải quyết xung đột, đặt mục tiêu cho con.
Các thầy cô giáo cũng cần được tư vấn để có thể giao tiếp tốt nhất với học sinh và kết nối được với phụ huynh, cách phòng tránh bạo lực học đường, cách xử lý các tình huống trên lớp một cách mềm dẻo và thuyết phục được những học sinh cá tính…
Câu chuyện của em học sinh A. đang học lớp 7 tại Hà Nội là một ví dụ cho thấy phác đồ điều trị tâm lý nhiều khi phải kết hợp tham vấn cho học sinh, cha mẹ và thầy cô.
A. là cô bé nhút nhát, không hòa nhập với các bạn trong lớp, không thể tập trung học tập, bị mất ngủ, cơ thể gầy yếu vì chán ăn và thường xuyên bị đau đầu. Qua những buổi trò chuyện, các chuyên gia tâm lý biết được A. con gái thứ 2 trong gia đình có bố chuyên đi đòi nợ thuê, từng có tiền án; mẹ là chủ một cơ sở chăm sóc sắc đẹp.
Từ khi A. còn nhỏ đã phải chứng kiến cảnh bố đánh đập mẹ thường xuyên và có những mối quan hệ không đúng đắn. Mẹ A. tuy là người tự chủ về kinh tế nhưng luôn bị bố bạo hành, luôn chịu đựng và rơi vào trầm cảm nặng, bị rối loạn lo âu và rất hay khóc. Cuộc sống của A. không hề được quan tâm, chia sẻ.
A. lầm lì, chỉ thích nghe nhạc và sử dụng điện thoại, đã từng lấy lấy dao lam để tự rạch tay mình. Các chuyên gia tâm lý nhận định A. bị rối nhiễu hành vi và trầm cảm. Phác đồ điều trị cho A phải kết hợp cả việc dùng thuốc và trị liệu tâm lý.
Các chuyên gia hẹn gặp mẹ của A., trò chuyện, khai thác những điểm mạnh để khích lệ, động viên, đồng thời hướng dẫn vị phụ huynh này cách phòng tránh bạo lực trong gia đình. Các chuyên gia tâm lý cũng kết hợp với thầy cô và nhà trường để tạo môi trường hòa nhập cho em học sinh A..
A. chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp học sinh hiện nay đang gặp phải những bất ổn tâm lý cần được sự hỗ trợ của phía chuyên gia tư vấn, gia đình và nhà trường.
Cần chuyên trách – chuyên môn – chuyên nghiệp
Trong buổi tổng kết hoạt động của phòng tham vấn học của Trường THPT Marie Curie, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang cho rằng, Phòng tham vấn không thể mở ra cho có, mà phải đảm bảo các yếu tố chuyên trách – chuyên môn – chuyên nghiệp.
Yếu tố chuyên trách đặt ra yêu cầu phải có phòng tham vấn đặt tại các trường nhưng hoạt động độc lập, có chuyên gia tư vấn tâm lý đảm trách công việc dưới sự giám sát chặt chẽ. Nhìn vào thực trạng chung của các phòng tham vấn ở nhà trường hiện nay, việc các thầy cô ngoài nhiệm vụ giảng dạy phải kiêm nhiệm công tác tư vấn xem ra không hợp lý.
Thêm nữa, đội ngũ tư vấn phải được đào tạo bài bản và có chuyên môn sâu về các lĩnh vực như sức khỏe sinh sản vị thành niên, về giới tính, định hướng nghề nghiệp, cách ứng xử, về kỹ năng tự vệ để tư vấn và hướng các em tới những suy nghĩ tích cực.
Vậy khi đã có đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý cho học sinh, thì thầy cô, nhà trường, gia đình có vai trò như thế nào đối với hoạt động của phòng tham vấn? Thầy cô vẫn cần được tập huấn về tâm lý học đường để có thể phát hiện, nhận diện, sàng lọc những trường hợp học sinh trong lớp của mình đang cần được hỗ trợ tâm lý, lấy tiêu chí phòng ngừa là chính.
Bằng sự khéo léo, tinh ý và công bằng, giáo viên sẽ động viên hoặc trực tiếp đưa các em học sinh đến gặp các chuyên gia tâm lý. Trong quá trình trị liệu thì cần có sự phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường để tạo môi trường đồng bộ giúp các em tiến bộ.
Bởi nếu chỉ được động viên, khích lệ ở phòng tham vấn, mà về nhà vẫn bị bạo hành, vẫn bị xa lánh, ở lớp vẫn bị các bạn kì thị, thầy cô coi là trường hợp khác biệt, thì các em nhanh chóng rơi vào cảm giác mất an toàn. Việc kết nối này phải theo nguyên tắc coi học sinh là chủ đạo, tất cả vì sự an toàn, tiến bộ của học sinh.
Yếu tố chuyên nghiệp của hoạt động tham vấn đòi hỏi các chuyên gia tư vấn phải có kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng lắng nghe để hiểu rõ được nguyện vọng, cảm xúc, tình cảm của học sinh. Nhà tư vấn phải có kỹ thuật làm chủ cảm xúc, tình cảm cũng như thời gian. Kỹ năng quan sát và phát triển vấn đề sẽ giúp cho nhà tư vấn thấu hiểu được những khúc mắc, xác định được đâu là vấn đề cần giải quyết.
Chuyên gia tâm lý Đỗ Trang – Trưởng nhóm Giáo dục và Bảo vệ trẻ em thuộc Tổ chức GNI tại Việt Nam cho rằng, để thay đổi hành vi của một đứa trẻ không chỉ trong 1-2 buổi tham vấn, mà là cả quá trình, từ sàng lọc, đánh giá, đưa ra phác đồ điều trị, sau đó can thiệp, tác động.
Trong quá trình can thiệp sẽ nhận diện được các vấn đề học sinh gặp phải, từ đó sẽ khái quát thành các nội dung để phòng ngừa. Đội ngũ chuyên gia tư vấn không chỉ làm việc bằng kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, sự nỗ lực mà còn bằng tất cả tâm huyết và trái tim yêu trẻ.
Sự chuyên nghiệp còn hướng tới sự đa dạng hóa trong hình thức tham vấn: có thể tham vấn riêng cá nhân, tham vấn theo nhóm, tham vấn trực tiếp tại phòng tham vấn hoặc qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác.
Các chuyên gia tâm lý cũng có thể kết hợp với các thầy cô giáo xây dựng chuyên đề về tham vấn lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động trải nghiệm… Sự chuyên nghiệp còn được quy định bởi việc có một phòng tham vấn đạt chuẩn, từ diện tích phòng, cách bài trí tạo sự gần gũi, ấm áp và tin cậy.
Nhằm ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực học đường, nhất thiết phải có phòng tham vấn hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả. Tuy nhiên, để đáp ứng được các tiêu chí chuyên trách – chuyên môn – chuyên nghiệp thì các nhà trường hiện nay chưa thể có nguồn kinh phí để đảm trách được hoạt động của phòng tham vấn.
Để đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý hoạt động có hiệu quả tại các phòng tham vấn, rất cần nguồn kinh phí xã hội hóa và cơ chế chính sách hợp lý. Về lâu dài, hoạt động tham vấn học đường cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội, giúp hàn gắn nhanh nhất các “mảnh vỡ” cuộc sống học trò, đáp ứng kì vọng của xã hội vào mục đích, ý nghĩa nhân văn của công tác tư vấn tâm lý học đường hiện nay.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn